Thiếu tướng Phan Khắc Hy – vị tướng cuối cùng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày ấy, đã ra đi mãi mãi vào chiều 17-9-2024. Và Báo Sài Gòn Giải Phóng từ biệt vị cố vấn đặc biệt của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn một thời…
Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng người dân ở Làng Ho trong ngày khánh thành ngôi làng mới do chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xây dựng
5 năm cuối cùng của một vị tướng
Năm 2009, khi Trường Sơn là vùng chiến địa đang dần mất dấu giữa rừng già, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tổ chức chương trình thiện nguyện Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS). Chương trình mong muốn tìm lại, tri ân những điều từng thuộc về, và đã mãi mãi thuộc về Trường Sơn.
Nhà báo Nguyễn Đức Quang – người khởi xướng chương trình đã tìm gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Khi đó ông đã 82 tuổi, nhưng vừa nghe chuyện ông đã hào hứng nhận lời. Từ đó, bắt đầu những chuyến lên rừng xuống biển, đi từ Đông sang Tây Trường Sơn…
Suốt hành trình đó đã có 3 ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, hơn 1.500 ngôi nhà tình nghĩa cùng 18 công trình dân sinh được dựng lên cho đồng bào biên giới – những cộng đồng cư dân từng chịu chung bom đạn, chiến tranh với bộ đội Trường Sơn…
Một trong những cuộc tìm kiếm gian nan nhất của chương trình NTTS, là tìm về ngã ba chiến trường thuộc Tây Nguyên để xây đền tưởng niệm. Cuộc tìm kiếm kéo dài qua nhiều chuyến đi. Đến huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, vị Bí thư Huyện ủy khi ấy nhiệt tình dẫn đường với lời mô tả đinh ninh rằng “đây chính là nơi tập kết bộ đội Trường Sơn năm xưa, là trọng điểm ác liệt, còn có bia ghi nhận”.
Đến nơi, có Thiếu tướng Phan Khắc Hy, có những cựu binh Trường Sơn, ký ức nhớ nhớ quên quên về trọng điểm năm xưa đã mất hẳn giữa cái thâm u của rừng già. Mà lời chỉ dẫn của vị lãnh đạo huyện đương thời thì quá rõ. Trong lúc cả đoàn đã chớm xuôi theo thì Thiếu tướng Phan Khắc Hy cất lời: “Đúng là năm 1973 mình mở đường nối với đường 14C có ngang qua đây. Nhưng đây không phải là nơi tập kết”.
Lịch sử rành rọt, nghiêm ngắn trong tiếng nói quyết định của một vị tướng. Cuộc tìm kiếm lại tiếp tục. Vị tướng đã vào ngưỡng 90 tuổi cũng miệt mài đi. Cuối cùng, ngôi đền được chọn xây ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, thuộc làng Lệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Đau đáu đời thường
Thời chiến, Thiếu tướng Phan Khắc Hy là người trực tiếp chỉ huy Đoàn 470 mở những cung đường Trường Sơn từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam bộ. Trong phần đời trận mạc của ông, Trường Sơn là ký ức đậm sâu, và là một nỗi ám ảnh khốc liệt. Vậy nên không khó để hiểu về sự nghiêm cẩn của ông khi trở lại cung đường cũ.
Không khó để lý giải lời cảm kích mà ông dành cho chương trình NTTS: “Cảm ơn Báo SGGP đã cho tôi làm điều gì đó cho đồng đội…”. Nghĩa đồng đội, nỗi day dứt về “người mất” trong sâu thẳm “người còn” là điều không lạ trong nỗi niềm hậu chiến. Nhưng thật lạ khi sau tất cả mọi hành trình, điều ông bật ra tha thiết nhất, là dành cho những người đang sống.
Năm 2012, ông cùng chương trình NTTS đến làng Ho dự lễ khánh thành công trình 34 căn nhà cùng với trạm xá, nhà văn hóa mới. Làng Ho là căn cứ đầu tiên của Đoàn 559, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chương trình NTTS của Báo SGGP đã vận động mạnh thường quân tài trợ xây dựng khang trang cho ngôi làng từng chia sẻ ký ức chiến tranh với bộ đội Trường Sơn.
Khi nhìn thấy ngôi làng mới, Thiếu tướng Phan Khắc Hy xúc động đến nghẹn lời: “Tôi ngày xưa là một người lính từng đi qua đây. Tôi rất cảm ơn đồng bào đã bảo bọc bộ đội ngày xưa. Cảm ơn chương trình NTTS của Báo SGGP thay mặt những người lính Trường Sơn trả nghĩa cho đồng bào. Chúng tôi mong bà con chung tay xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ngày càng no ấm”.
Khi chia tay, trước tình cảm lưu luyến của bà con Vân Kiều bản Làng Ho, Thiếu tướng Phan Khắc Hy xúc động bật dặn dò: “Chúng ta sẽ trở lại với Làng Ho, với Trường Sơn…”.
Nhưng, mãi đến khi chương trình Nghĩa tình Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt (chương trình tiếp nối chương trình NTTS của Báo SGGP) xây ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ ở trọng điểm Cà Roòng – ATP trên đường 20 Quyết Thắng, người ta mới hiểu trọn vẹn lời dặn lặp đi lặp lại của Thiếu tướng Phan Khắc Hy.
Cà Roòng (Thượng Trạch, Quảng Bình), ATP cũng là những trọng điểm ác liệt gần biên giới Việt – Lào với hàng ngàn chiến sĩ đã nằm xuống. Ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng – Trọng điểm Cà Roòng – ATP là giấc mơ không tưởng trong Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Vậy mà khi ngôi đền thành hình, dù không giấu được niềm tự hào, mãn nguyện, vị tướng vẫn rưng rưng nắm tay ông Nguyễn Đức Quang dặn dò: “Có được ngôi đền rồi, phải làm sao cho đời sống người dân ở đó sinh động, khấm khá hơn”.
Tết Nguyên đán năm 2024, những người làm chương trình NTTS và chương trình Nghĩa tình Biên giới đến thăm Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Ông đã vào tuổi 97, quên nhiều hơn nhớ. Hôm đó, ông Nguyễn Đức Quang mang theo tin vui về Tour du lịch “Đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại” sẽ đưa du khách về với Cà Roòng, Trường Sơn, giúp đời sống đồng bào ở đó khởi sắc hơn.
Nghe đến đó, nét cười trên gương mặt Thiếu tướng rõ dần. Gương mặt không còn vẻ ngơ ngác, Thiếu tướng Phan Khắc Hy chợt nói: “Đúng rồi, mình không tìm về một lần rồi thôi, mà phải quay lại nhiều lần, giúp đời sống của bà con tươi sáng hơn…”.
Trong niềm cảm hứng đó, Thiếu tướng Phan Khắc Hy hứa tập thể dục mỗi ngày để cùng chúng tôi trở lại Trường Sơn sau Tết. Nhưng, đó là cuộc gặp cuối cùng, lời dặn dò cuối cùng, và hò hẹn cuối cùng.
Cuối cùng, trong cuộc đời đó, cả những đoạn đường binh đao sinh tử, đến những chuyến đi miệt mài sau cuối giữa thời bình đều hướng tới một điều, là sự sống – một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn cho đồng bào các dân tộc sinh sống, gắn bó máu thịt với Trường Sơn…
Theo Minh Trâm (SGGP)